(PLO)- Để triển khai, thực hiện Đề án phát triển nghề Thừa phát lại được phê duyệt, ngày 12-1-2024, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Quyết định số 105/QĐ-UBND về việc cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại.
Ngày 29-1-2024, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động số 01/TP/ĐKHĐ-TPL cho phép Văn phòng Thừa phát lại Bà Rịa – Vũng Tàu hoạt động, cung cấp dịch vụ pháp lý trên địa bàn tỉnh.
Đây là Văn phòng Thừa phát lại đầu tiên chính thức được thành lập và đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, có trụ sở tại: Số 304, đường 27/4, phường Phước Hưng, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, do ông Nguyễn Thái Phương làm Trưởng Văn phòng .
Theo quy định tại Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ thì ngành nghề Thừa phát lại có 04 chức năng chính. Trong đó, chức năng lập vi bằng, ghi nhận chứng cứ là một thế mạnh của Thừa phát lại.
Hiện nay, thẩm quyền của Tổ chức hành nghề Công chứng không thể bao quát được toàn bộ mọi hoạt động giao dịch, lĩnh vực của đời sống xã hội; Chính quyền địa phương không thể chứng thực, xác nhận các vụ, việc, sự kiện nằm ngoài phạm vi chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao. Trong khi, thực tiễn đời sống hàng ngày các hành vi, sự kiện, loại hình thoả thuận, giao dịch về hành chính, dân sự, kinh tế, thương mại phát sinh hàng phút, hàng giờ, diễn biến vô cùng đa dạng, phức tạp.
Trước tình hình trên với chức năng tạo lập vi bằng, ghi nhận chứng cứ được Nhà nước giao, Thừa phát lại thực hiện cung cấp dịch vụ trên cơ cở tự nguyện thỏa thuận, đồng thời không bị hạn chế về địa điểm, không gian và thời gian; thủ tục thực hiện nhanh chóng và thuận tiện…. Đây là một loại hình dịch vụ pháp lý cực kỳ hữu ích được người dân và doanh nghiệp tiếp nhận, sử dụng và kỳ vọng với cơ chế này Thừa phát lại sẽ hỗ trợ đắc lực, đáp ứng tốt các yêu cầu thực tiễn đời sống kinh tế xã hội thời điểm hiện nay và những năm về sau.